Đàng Ngoài-Đàng Trong
Bắt nguồn từ thời kỳ Nam-Bắc triều, năm 1527, sau khi giành ngôi từ nhà Hậu Lê, Mạc Đăng Dung đã lập nên nhà Mạc. Nhà Lê trung hưng được tái lập vài năm sau đó với sự giúp đỡ của Nguyễn Kim, một tướng cũ và giành được sự kiểm soát khu vực từ Thanh Hóa vào Bình Định. Sau khi Nguyễn Kim chết, người con rể là Trịnh Kiểm đã dành quyền bính, 60 năm kế tiếp Trịnh Kiểm và các con cháu của ông đã giành được chiến thắng trước nhà Mạc vào năm 1592 và mở đầu cho thời kỳ đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thời kỳ vua Lê chúa Trịnh
Sự mâu thuẫn giữa hai người cận thần của nhà Lê trung hưng là Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng (trấn thủ xứ Thuận Hóa và Quảng Nam) đã bắt đầu cho sự phân chia đất nước ra thành hai lãnh thổ. Trong khi Trịnh Kiểm tìm cớ giết Nguyễn Uông (con cả của Nguyễn Kim) thì Nguyễn Hoàng chạy vào Thuận Hóa lâp cát cứ, hai chính quyền riêng biệt là Đàng Ngoài và Đàng Trong với sông Gianh (Quảng Bình) làm biên giới.
Sông Gianh, biên giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong gần 200 năm
Các con cháu của Trịnh Kiểm lần lượt kế tiếp nhau nắm quyền ở Đàng Ngoài được gọi là các chúa Trịnh, các con cháu của Nguyễn Hoàng kế tiếp nhau cầm quyền ở Đàng Trong được gọi là các chúa Nguyễn, các vua Lê chỉ có danh vị hoàng đế của Đại Việt trên danh nghĩa.
Thời kỳ Đại Việt chia thành hai lãnh thổ riêng biệt Đàng Ngoài và Đàng Trong cũng là thời kỳ hoạt động ngoại thương sôi động, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều tham gia vào hệ thống giao thương toàn cầu bởi các thương nhân Châu Âu, Nhật Bản, Trung Hoa đến Đại Việt buôn bán. Người Hà Lan, Anh, Pháp lập các thương điếm tại Kẻ Chợ (Hà Nội), người Bồ Đào Nha, Anh, Nhật Bản đặt các thương điếm tại Faifo (Hội An). Các mặt hàng chính được xuất khẩu từ Đại Việt là tơ lụa, hồ tiêu, gốm sứ. Tuy nhiên, sang đến thế kỷ 18 thì hoạt động thương mại giảm sút ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài[14].
Cùng với sự giao thương buôn bán với các nước phương Tây, đạo Công giáo cũng bắt đầu được truyền vào Đại Việt qua các giáo sĩ công giáo phương Tây theo các tàu buôn vào giảng đạo ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong, lúc đó các chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều ngăn cấm, nên ảnh hưởng của Công giáo ở Việt Nam trong thời kỳ này còn hạn chế.
|