Mở rộng lãnh thổ về phương Nam
Dấu ấn về việc mở rộng đất nước trong thời kỳ phong kiến này chính sự bành trướng xuống phương Nam, cuộc Nam tiến nhằm tìm đất nông nghiệp để cung cấp lương thực cho sự gia tăng dân số của Đại Việt. Với một quân đội có tổ chức tốt hơn, từ thế kỷ 11 đến thể kỷ 15, sau các cuộc chiến tranh cũng như hôn nhân chính trị giữa Đại Việt và Chăm Pa, lãnh thổ Đại Việt đã được mở rộng thêm từ dãy Hoành Sơn (bắc Quảng Bình) tới đèo Cù Mông (bắc Phú Yên).
Từ thế kỷ 17, Đàng Trong là một lãnh thổ, chính quyền riêng biệt với Đàng Ngoài. Nhằm tiếp tục tìm kiếm thêm diện tích đất đai cho sự gia tăng dân số, cũng như tăng cường quyền lực các chúa Nguyễn đã lần lượt tiến hành các cuộc chiến tranh với Chăm Pa và sát nhập hoàn toàn phần lãnh thổ còn lại của người Chăm (từ Phú Yên tới Bình Thuận) vào năm 1693.
Tiếp đó, sau các cuộc di dân của người Việt từ Đàng Trong vào sinh sống ở vùng đất của người Khmer, các chúa Nguyễn lần lượt thiết lập chủ quyền từng phần trên vùng đất Nam Bộ, sau các cuộc chiến với vương quốc Khmer, vương quốc Ayutthaya cũng như các yếu tố chính trị khác, từ năm 1698 đến năm 1757 chính quyền Đàng Trong đã giành được hoàn toàn Nam Bộ ngày nay vào sự kiểm soát của mình.
Các thời kỳ Nam tiến của người Việt
Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ 17, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1816[15]
Sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền có lẽ bắt nguồn từ cuộc Nam tiến này. Văn hóa Nho giáo trong chính quyền miền Nam không phát triển nhiều, do họ chịu ảnh hưởng phần nào của văn hóa Champa, văn hóa Khmer. Ngày nay, người miền Bắc tiết kiệm, bảo vệ nhóm, giỏi ứng xử; người miền Nam thoải mái trong đời sống, trong suy nghĩ và thẳng thắn[16]. Tổ chức hành chính cũng khác biệt. Cách tổ chức chính quyền tỉ mỉ ở miền Bắc đã được đơn giản hóa ở miền Nam[16].
|