Viết về họ Hồng Bàng, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có chép: “Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.
Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.
Sau đó, vẫn theo sách trên, Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.
Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công nguyên (TCN). Theo sách vở cũ, các đời vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào 258 TCN.
Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường, nếu nhớ: Các triều đại vua chúa bên Tàu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc kéo dài trung bình khoảng 10-20 năm, như Chu Trang Vương (696-682 TCN), 14 năm chẳng hạn; Đời sống con người thời đó trung bình chỉ kéo dài khoảng 50 năm. Hơn thời sống trong hang động chừng 20 năm. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, xuất hiện khoảng 1479 dưới đời vua Lê Thánh Tôn, chính là bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết Âu Cơ Lạc Long Quân, rồi Hùng vương vào sử sách nước Việt. Trước thời “Đại Việt sử ký toàn thư”, có 2 bộ sử nữa, nhưng hoàn toàn không đề cập đến truyền thuyết Lạc Long Quân. Đó là “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, xuất hiện năm 1272, và “Đại Việt sử lược” với tác giả khuyết danh, ra đời trong khoảng cuối thế kỷ 14 dưới đời nhà Trần. Bộ sách của Lê Văn Hưu, tuy thất truyền từ lâu nhưng phần lớn được Ngô Sĩ Liên xử dụng khi soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”. “Đại Việt sử lược” thất lạc nhiều năm, nhưng về sau được một vị quan nhà Thanh tìm được ở một thư khố bên Tàu. Chuyện tích vua Hùng với 18 đời, cùng những truyền tích khác như “Phù Đổng thiên vương”, “Sơn Tinh Thủy Tinh”, thật ra được Ngô Sĩ Liên nhập vào bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, từ những sách thuật chuyện u linh hoang đường như “Việt điện u linh tập”” và Lĩnh Nam chích quái, xuất hiện trong khoảng thế kỷ 14.
Đặc biệt Lĩnh Nam Chích Quái, do tiến sĩ Vũ Quỳnh hiệu đính, thuật lại những chuyện thần thoại ở khu vực phía Nam rặng núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Nam), tức phía Nam của nước Sở ở vào thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa (722-221 TCN).
Trở lại với năm đầu và năm cuối của thời Hồng Bàng. Trần Trọng Kim dùng thẳng tài liệu của “Đại Việt sử ký toàn thư” (2879-258 TCN) – nhưng đặt thêm một dấu hỏi (?) sau năm khởi đầu: 2879 TCN. Bởi thật ra, chính Ngô Sĩ Liên cũng chỉ đề cập đến 18 đời ở bên ngoài phần Ngoại kỷ (từ thời Hồng Bàng đến Ngô sứ quân). Đặc biệt Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ:
“Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: “rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”. Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi nhét các truyền tích vào cổ sử, ông đã tiếp tục gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay.
Mặc dù đã căn dặn kỹ: tin sách chẳng bằng không có sách (tận tín thư bất như vô thư). Mãi cho đến cuối thế kỷ 20, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa đến một số điều chỉnh về năm tháng. Trong đó niên đại kết thúc đời Hồng Bàng (và bắt đầu thời Thục Phán) được dời về năm 208 TCN.
Đặc biệt, gần đây, họ phối hợp những luận cứ dựa trên các khám phá khảo cổ học về thời đại văn minh Đông Sơn với một đoạn ngắn của quyển “Đại Việt sử lược”, thất truyền lâu năm nhưng về sau tìm lại được ở thời Mãn Thanh (bên Tàu): Đền đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối kết nút.
Truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng vương”. Xin chú ý đến một vài điểm: “Đại Việt sử lược” vẫn cho thời đại Hùng vương kéo dài 18 đời. Không có ghi chi tiết cha mẹ của Hùng Vương. Tức “giấy khai sinh” của Hùng vương không có tên Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vua Hùng thứ nhất khởi đầu sự nghiệp vào khoảng năm 688 TCN, kết thúc vào năm 208 TCN. Bình quân 26 năm cho mỗi một đời vua.
Chính sự dùng dây kết nút để… truyền thông với nhau. Tức không có chữ viết. Không có sử sách gì hết. Tức không giống như văn minh Hoa Hạ ở khu vực bình nguyên sông Hoàng Hà. Tóm tắt: Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, 18 đời vua Hùng: 2879-258 TCN – Theo nhiều tài liệu sử hiện nay, dựa trên tài liệu khai quật và “Đại Việt sử lược”, 18 đời Hùng vương: khoảng 688-208 TCN.
|